Cái kho của thế giới mạng
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Câu chuyện về những tấm gương sáng

Go down

Câu chuyện về những tấm gương sáng Empty Câu chuyện về những tấm gương sáng

Bài gửi by Admin Wed Apr 20, 2011 6:59 pm

Nếu như mùa hè đến với sắc đỏ nồng nàn của hoa phượng và tiếng ve râm ran như hâm nóng mùa thi, mùa xuân đến với hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam để đón chào một năm mới thì mùa thu lại đến với hoa cúc, với lá vàng và gió heo may nhè nhẹ. Không chỉ có vậy, mùa thu còn được đánh thức bởi những tốp học sinh nô nức đến trường đón chào một năm học mới.

Chúng tôi đi học xa nhà, chỉ nhận ra mùa thu khi thành phố đã rực lên trong sắc vàng, sắc đỏ của những chiếc lá đang chuyển màu. Và trong cái gió se lạnh của mỗi buổi sớm mai, tôi lại nhớ đến nao lòng không khí tưng bừng của những buổi tựu trường. Tôi nhớ đến niềm vui được gặp lại thày cô, bạn bè, sự hồi hộp khi mở những trang sách mới và học những bài học đầu tiên. Theo tôi, đó chính là « niềm vui đi học ».

Có lẽ « niềm vui đi học » có trong mỗi chúng ta từ khi mới cắp sách đến trường. Hồi còn bé, tôi suy nghĩ rất đơn giản, cứ cho rằng ai cũng hạnh phúc như mình. Theo thời gian, tôi lớn lên và cũng hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng như vậy. Có những bạn bè quanh tôi không có được niềm vui trọn vẹn, nhiều bạn đến trường với vô vàn khó khăn và trăn trở.

Tôi đến và tham gia Đồng Hành hết sức tình cờ. Lúc ban đầu, tôi chỉ định coi đó như một cuộc ghé thăm. Nhưng chính những khó khăn và sự nỗ lực đáng khâm phục của các bạn đã giữ tôi ở lại Đồng Hành, với mong muốn được bước cùng các bạn.

Dù đã gần hai năm trôi đi, chúng tôi vẫn không thể nào quên những người bạn đầu tiên đã đến với Đồng Hành. Khi đó, Chương trình học bổng của chúng tôi còn khá nhỏ và mới chỉ tập trung ở hai trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại Học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Bằng những nỗ lực vượt bậc, các bạn đã và đang từng bước khẳng định mình trên con đường học vấn.

Chúng ta đã được sống trong hòa bình từ gần 30 năm nay. Tiếng súng của chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Tuy nhiên những vết thương của nó vẫn chưa lành lặn hẳn. Năm 1976, sau bảy năm trên chiến trường ác liệt, bố của Lưu, một sinh viên quê Bắc Giang, trở về quê hương với mong ước xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của chiến tranh đã không cho phép ông thực hiên ước mơ giản dị đó của mình. Chất độc màu da cam ngấm sâu trong cơ thể người cha đã khiến cho 4 trong 5 người con của ông không có khả năng lao động và học tập (bị câm điếc, bại liệt …). Do lao động quá vất vả và bị căng thẳng về tâm lý, cha của Lưu đã qua đời vào năm 1994 để lại cho mẹ Lưu gánh nặng về tình thương và trách nhiệm. Là người con duy nhất có khả năng học tập, Lưu ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với các anh chị em cũng như hiểu được niềm tin mà mẹ và người cha đã mất gửi gắm vào bạn.

Trong những năm học phổ thông, Lưu liên tục là học sinh khá giỏi. Bạn đã đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Hoá lớp 9 huyện Lục Nam và liên tục tham gia các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Bắc Giang. Bước chân vào Đại học, Lưu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật chất. Ai đã từng đến thăm căn phòng của Lưu tại Hà Nôi hẳn sẽ không khỏi cầm lòng. Đúng hơn đó là một ô nhỏ, được quây lại bằng tôn nằm trên sân thượng của một gia đình. Tôi đến thăm bạn vào mùa hè 2002 và cái rát bỏng của nắng nóng tưởng như có thể thiêu cháy ngay mình lúc đó.

Tôi vẫn thường nhận được tin tức của Lưu, có đôi lần nhận được thư của mẹ bạn. Bác có nói rằng giờ đây, dù gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bác không còn phải đi vay nặng lãi để cho Lưu đi học. Với sự giúp đỡ của các thành viên Đồng Hành, Lưu đã có một chiếc xe đạp cũ chứ không phải đi bộ đến trường như trước nữa. Tôi cũng thấy lòng ấm lại khi những chia sẻ của chúng tôi làm vơi đi phần nào những khó khăn của bạn.

Tôi vẫn nhớ như in dáng người bé nhỏ của Kiều Anh, cô bạn gái học khoa Sinh trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Từng là học sinh dưới mái trường chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Ðịnh, Kiều Anh đã gặt hái được nhiều kết quả cao trong các kì thi học sinh giỏi môn Sinh học:

Giải khuyến khích kỳ thi của tỉnh Nam Ðịnh lớp 10 và 11
Giải ba và giải nhì kỳ thi của tỉnh lớp 12
Giải ba kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc lớp 12

Cha Kiều Anh không may qua đời sớm, mẹ của bạn tần tảo nuôi hai người con ăn học với tiền lương ít ỏi 260 000 đồng/tháng. Nhưng có lẽ, những khó khăn về vật chất và những thiếu thốn về tinh thần không ngăn được ước mơ trở thành nữ tiến sĩ khoa học chuyên ngành vi sinh học.

Sau khi nhận học bổng, Kiều Anh đã trở thành một thành viên tích cực của Đồng Hành tại Hà Nội. Bạn đã giúp các đại diện của trường KHTN Hà Nội rất nhiều trong vòng sơ tuyển và gặp gỡ các bạn nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, Kiều Anh cũng là một trong những thành viên tích cực trong dự án tiếng Anh mà chúng tôi đã thực hiện ở Hà Nội năm học 2002-2003.

Chắc hẳn những thành viên Đồng Hành đã từng tham gia hai lần xét tuyển đầu tiên không bao giờ quên Tiến, cậu bạn mà tất cả chúng tôi đều vô cùng khâm phục. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại cố đô Huế, cha quanh năm đau ốm do vết thương tái phát, mẹ mất sức lao động, Tiến và các chị em của bạn đã cố gắng thi đỗ đại học với mong ước một ngày mai tươi sáng. Khả năng của Tiến thực sự được phát huy khi bạn học tập tại trường PTTH chuyên Lương Thế Vinh, thành phố Biên Hoà tỉnh Ðồng Nai. Vì không có tiền thuê nhà trọ, Tiến đã sống trong chùa suốt 3 năm học cấp ba. Cũng trong ba năm học đó, Tiến đã làm vẻ vang gia đình, trường lớp bằng những thành tích rực rỡ của mình, điều mà ngay cả những học sinh có đầy đủ điều kiện cũng rất khó đạt đựơc:

Lớp 11:

Giải ba cấp tỉnh và giải nhì quốc gia môn Tin học lớp 12
Huy chương vàng Tin học kỳ thi Olympic 30/4 các tỉnh phía Nam
Thanh niên tiêu biểu cấp thành phố

Lớp 12:

Giải nhất cấp tỉnh và giải nhất quốc gia môn Tin học lớp 12
Tham gia thi chọn đội tuyển Tin học đi thi quốc tế
Ðại biểu đại hội liên hoan thanh niên tiên tiến miền Ðông Nam Bộ
Ðược tuyển thẳng vào Ðại học Bách Khoa TpHCM

Khi mùa thi đại học năm 2002 khép lại, nhiều người đã xúc động và khâm phục khi đọc bài báo viết về Lương Thanh Quang, cậu nông dân nghèo đậu 4 trường đại học - cao đẳng trên báo Tuổi trẻ.

“….. Năm 1999, cha mất sau nhiều tháng bệnh âm ỉ không chữa trị, gia đình Quang hụt hẫng và lâm vào cảnh túng bấn. Hai anh em đang tuổi ăn học bây giờ đã phải ngồi lại lo chuyện mưu sinh. Thương em còn nhỏ, người anh đang theo Trung học Hàng Hải phải nghỉ học xin làm công nhân khu chế xuất phụ mẹ nuôi em. Còn cậu học trò lớp 10 trường THPT Gia Định, Thanh Quang, sáng bưng thúng ra đầu hẻm bán xôi vò để kiếm chút tiền. Hè năm lớp 11, Quang đem hết tài sản dành dụm bấy lâu đóng được 3 tháng tiền luyện thi đại học (hơn 800 nghìn đồng). Sau 3 tháng lại chẳng biết kiếm đâu ra tiền để đóng tiếp đành nghỉ. Song cậu vẫn cứ kiên trì luyện Toán - Lý - Hoá bằng cách luyện thi… ké. Cách 2-3 hôm, Quang lại tới nhà người bạn mới quen tại trung tâm mượn tập vở tài liệu… đem về nhà tự giải.
Khi biết Quang đỗ một lúc 4 trường, người mừng nhất là bà Ghết (mẹ Quang). Một bữa tiệc đơn giản được tổ chức để thết đãi cả nhà. Bà nói đã chạy xong tiền đóng học phí đợt đầu cho Quang. Còn những lần sau? Giọng buồn buồn nhưng bà quả quyết “tới đâu vay tới đó”. Bà chỉ mong Quang học tới nơi tới chốn để tương lai sáng sủa hơn dù có phải thức dậy sớm hơn, gánh xa hơn để bán được nhiều tàu hũ hơn.
Cậu sinh viên Quang chọn theo học trường Đại học Bách khoa, Khoa Cơ khí, cũng mang nặng nỗi niềm: học không những cho mình, cho mẹ, còn vì lời cam kết ngày xưa của anh trai: “Bây giờ tao nuôi mày học, mai mốt mày nuôi tao đi học lại nhé”….… »

Chúng tôi cũng đã có dịp gặp Quang trong dịp hè 2003 và ấn tượng mà Quang để lại là một nụ cười đôn hậu, chất phác và sự nhiệt tình đáng quý.

Bước sang năm học 2002-2003, chúng tôi lại có dịp làm quen với nhiều gương mặt mới. Hiện nay, các bạn vẫn thường xuyên liên lạc với chúng tôi và cũng đã có những cuộc gặp gỡ trong dịp hè 2003.

Cách đây không lâu, chúng tôi nhận được tin vui của bạn Phúc Hậu, sinh viên khoa Điện – Điện tử trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Vào lúc tôi ngồi viết những dòng chữ này, Hậu đã sang học ở Ucraina được hai tuần. Các thành viên của Đồng Hành thật vui mừng khi thấy những cố gắng của Hậu đã phần nào được đền đáp.

Cha của Hậu qua đời khi bạn đang còn nằm trong bụng mẹ. Dù sức khỏe rất yếu, mẹ của Hậu vẫn phải làm đủ nghề để nuôi bạn ăn học : đi bán vé số, mở quán buôn bán nhỏ, đi làm công nhân, đi phụ giúp cho một gia đình… Cuộc sống tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tràn đầy tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ đã chắp cánh cho những thành công của Hậu. Cả năm lớp 11 và lớp 12, Hậu đều tham gia thi Toán cấp tỉnh và đều đoạt giải. Tôi tin rằng, trí tuệ và lòng quyết tâm sẽ là những hành trang quý giá nhất khi bạn sang Ucraina du học.

Tôi chưa một lần được gặp Thúy Loan nhưng nghe mọi người nhắc đã nhiều. Tôi vẫn còn nhớ khi chấm hồ sơ lần thứ 3, các thành viên của Đồng Hành « xôn xao » rằng có một cô bé tên Thúy Loan hoàn cảnh khó khăn nhưng nghị lực và học giỏi lắm, lại xinh xắn dễ thương nữa. Và khi cầm hồ sơ của em, nhìn khuôn mặt, nét chữ và lá đơn em viết, tôi cũng phải công nhận là mọi người không nhầm.

Cũng như Hậu, vắng bóng cha từ lúc lọt lòng, Loan lớn lên bằng tình yêu thương của mẹ. Quê em ở Quảng Ngãi nhưng đến năm 1988, khi Loan mới lên 4 tuổi, mẹ đã đưa em vào Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn sau này em sẽ có điều kiện học tập tốt. Cuộc sống của hai mẹ con nơi đất khách quê người hẳn đã vô cùng vất vả. Việc làm không ổn định, số tiền nhận được lại ít ỏi nên cuốc sống của hai mẹ con luôn bấp bênh, nhiều lúc Loan tưởng đã phải nghỉ học để giúp mẹ. Đáng khâm phục thay, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cô bé Loan vẫn luôn miêt mài học tập. Liên tiếp trong ba năm học cấp 3, em luôn là một trong những học sinh đứng đầu lớp với điểm tổng kết các môn là 8,7 (lớp 10), 8,8 (lớp 11) và 9,0 (lớp 12). Bên cạnh đó, Loan đã đạt Huy chương đồng môn Sinh học trong kỳ thi Olympic 30/4 năm em học lớp 11 và giải nhì môn Sinh học toàn Thành phố vào lớp 12.

Không phụ công học tập trong suốt 12 năm học, Loan đã thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh và được tuyển vào lớp Kĩ sư chất lượng cao Việt Pháp. Loan vẫn liên lạc đều đặn với thành viên của Đồng Hành. Qua thư của em, chúng tôi biết em vẫn luôn say mê học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Em kể cho chúng tôi nghe về những hôm đi giúp các em nhỏ dị tật ở mái ấm Thiên An, đi mùa hè xanh ở Củ Chi cũng như tham gia nhiều hoạt động từ thiện khác. Mong sao may mắn và hạnh phúc sẽ đến với em, một cô bé có trí tuệ, giàu nghị lực và có một tấm lòng nhân ái.

Một điều khiến tôi rất thú vị khi đọc hồ sơ của Thu Sương là việc một cô bé đã từng đạt giải nhì Văn thành phố lớp 12 đã thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin trường Khoa học tự nhiên TPHCM với số điểm khá cao, 26 điểm.

Có lẽ, những người được sinh ra và lớn lên trong no ấm và hạnh phúc sẽ không bao giờ hiểu hết được những khó khăn mà một số bạn bè của mình đã phải trải qua, trong đó Sương là một ví dụ. Ba mẹ chia tay nhau từ lúc Sương còn nhỏ. Một mình mẹ em nuôi sáu người con. Đã có những lúc, mẹ em phải bán đi chính những giọt máu của mình để đổi lấy gạo cho những đứa con. Việc bán máu diễn ra nhiều lần, công thêm với sự nhoc nhằn, vất vả và cuộc sống thiếu thốn đã làm mẹ em yếu đi nhiều.

Tôi xin trích ra đây một chút tâm sự nhỏ của Sương.

« Tuy hoàn cảnh gia đình rất nghèo nhưng má và các anh chị đã hi sinh rất nhiều, tích góp từng đồng để cho em vững bước trên con đường học tập. Nhiều lúc, em thấy mình thật hạnh phúc khi được tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của bản thân là « Học, học nữa, học mãi ». Mọi cố gắng của em đều bắt nguồn từ cái khổ của gia đình, từ những giọt mồ hôi đắng của các anh các chị và từ những giọt máu đổi lấy gạo của má. Tất cả những điều đó đều trở thành nguồn động lực to lớn cho em phấn đấu, để quên đi sự mặc cảm tự ti của chính mình. Em sẽ quyêt tâm học thật giỏi dù rằng bây giờ em vẫn chưa có được một cái máy vi tính cũ kỹ nhất. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn em học hỏi và tìm tòi để trở thành một lập trình viên giỏi. Có như vậy em mới có thể phụ giúp gia đình, mang lại cuộc sống ấm no cho má, cho các anh chị, cho em và cho những người xung quanh đang cần đến sự giúp đỡ. »

Tôi chỉ nêu lên ở đây một trong số rất nhiều những tấm gương sáng mà Đồng Hành đã có may mắn giúp đỡ. Mỗi bạn có một hoàn cảnh riêng, những thiệt thòi và mất mát khác nhau nhưng cùng có chung một quyết tâm học giỏi, sống tốt để vươn đến một tương lai tươi sáng. Với sự cảm thông sâu sắc và tấm lòng chân thành muốn được chia sẻ những khó khăn với các bạn, Đồng Hành luôn mong muốn trong một ngày không xa, các bạn sẽ thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp. Những khó khăn trên con đường mà các bạn đã và đang đi sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu, và chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh các bạn, giúp đỡ các bạn với toàn bộ khả năng của mình. Đồng Hành và các bạn sẽ luôn là những người bạn chân thành trên con đường đi tìm tri thức và cũng như trong cuộc sống.

Một thành viên của Đồng Hành

Thu 2003.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 985
Points : 2798
Danh tiếng : 0
Join date : 13/03/2011

https://chobe.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết