Cái kho của thế giới mạng
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Cao đài - NƠI ĐÂU LÀ THÁNH THẤT ĐẦU TIÊN ?

Go down

Cao đài - NƠI ĐÂU LÀ THÁNH THẤT ĐẦU TIÊN ? Empty Cao đài - NƠI ĐÂU LÀ THÁNH THẤT ĐẦU TIÊN ?

Bài gửi by Admin Tue Apr 12, 2011 5:19 pm

Đạo sử hình thành và phát triển của Cao Đài Giáo, về phần phổ độ, trong những năm đầu tiên không thể nào tách rời với địa danh Cầu Kho. Tuy nhiên, Cầu Kho có phải là Thánh Thất đầu tiên của Cao Đài Giáo hay không, đây là một câu hỏi lý thú !

Là một trong những di tích lịch sử của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Cầu Kho nguyên là nhà của Đốc Học Đoàn Văn Bản, là nơi mà các môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài thường xuyên tụ họp sinh hoạt đạo sự trong năm Bính Dần 1926, năm thứ nhứt của Cao Đài Giáo. Di tích này đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cũng như nhiều câu chuyện đức tin lý thú vào buổi bình minh của nhà Đạo.

Nhưng danh từ Thánh Thất (một từ riêng để gọi nơi thờ phượng của Cao Đài Giáo) đã được Đức Chí Tôn sử dụng lần đầu tiên, gắn liền với Cầu Kho hay địa danh nào ?

1. Danh từ Thánh Thất xuất hiện từ khi nào trong Thánh giáo ?

Tìm trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển chúng ta thấy đàn đầu tiên có từ “Thánh Thất” là đàn ngày 20 tháng 7 Bính Dần:

“Tạ, Thầy giao khổ bệnh nhơn sanh cho con. Thầy lấy nhà con mà làm Thánh thất của Thầy.”

Có một vài đạo hữu dựa vào chi tiết trên để cho rằng “nhà ông Tạ” là nơi đầu tiên được Thầy ban làm Thánh thất.

Tuy nhiên, những lời dạy chi tiết về việc xây dựng Thánh thất lại là ngày 12 tháng 8 Bính Dần. Thầy chỉ dẫn về nghi thức thờ phượng.

“Kiệt - Con phải giúp Thơ trong việc lập Thánh Thất. Thầy giao cho con phải săn sóc mướn thợ làm bảy cái ngai, (…)” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, Vendredi, 17 Septembre 1926, 12 tháng 8 Bính Dần)

Hôm sau Đức Chí Tôn dạy tiếp:

“Các con, Thầy đã lập thành Thánh Thất. Nơi ấy là nhà chung của các con. Biết à.

Thầy lại quy Tam Giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng mười có đại hội cả Tam Giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!

Sự tế tự sửa theo "Tam Kỳ Phổ Độ" cũng nơi ấy mà xuất hiện ra. Rõ à!” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, Samedi 18 Septembre 1926, 13-8 Bính Dần)

Ba ngày sau, Đức Chí Tôn dạy tiếp: “Các con, Thơ! (…) con lo lập Thánh Thất rồi đi khắp lục tỉnh đặng phổ độ.” (Thánh Ngôn Sưu Tập 1 bài 28. Thứ sáu 22.9.1926, 16-8 Bính Dần)

Vậy nơi nào đã được Đức Chí Tôn nhiều lần dạy chi tiết “Thầy đã lập thành Thánh Thất…” ?

2. Nơi đâu là Thánh thất đầu tiên theo Thiên Ý ?

Vào quý 3 năm Bính Dần, khi ấy đã có nhiều “nhà đàn” ở trong Sài Gòn như (Cầu Kho, Tân Định, Thủ Đức …) và xung quanh Sài Gòn như tại Cần Đước, Chợ Đệm ... Nơi nào đã được Thầy chọn làm Thánh Thất đầu tiên ?

Qua lời dạy của Thầy: “Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ cũng nơi ấy mà xuất hiện ra. Rõ à!”. Vậy “nơi ấy” là nơi nào và sự tế tự như thế nào?

Ở nguồn tài liệu khác ngoài Thánh Ngôn Hiệp Tuyển cho chúng ta thấy trước đó 1 tháng, tức là vào giữa tháng 7 Bính Dần, Thầy đã dạy chư vị Tiền Khai đến lập đàn tại chùa Gò Kén ở Tây Ninh. Khi đó chùa Gò Kén vừa mới vừa được cất xong phần khung, Hòa Thượng Như Nhãn đang trông coi đôn đốc việc sắp đặt phần nghi thức thờ phượng. Ngày 16 tháng 7 Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy Hòa Thượng Như Nhãn:

“Như Nhãn hiền đồ, nghe dạy: (…) Nơi đây là Thánh địa, Ta lập Thánh Thất. Hiền đồ có lòng giúp Ta chăng?” (Thánh Ngôn Sưu Tập 1 bài số 24. Ngày 23-8-1926, 16-7 Bính Dần)

Như vậy danh từ Thánh Thất, lần đầu tiên được Thầy sử dụng là ngày 16 tháng 7 Bính Dần, ban cho chùa Gòn Kén. Hai tuần sau, ngày Chúa nhựt 29-7 Bính Dần, Đức Chí Tôn lại một lần nữa chuyển chư vị phò loan đến nơi đây lập đàn. Hôm đó, Thầy dạy:

“Như Nhãn hiền đồ ! (…) Con phải đại tịnh kể từ tháng 9 cho tới Rằm tháng 10. Thầy không muốn cho con lo lắng điều gì khác hơn là xét xem kinh điển lại.

(…) Thầy nhứt định giao Thánh Thất nầy lại cho Thơ lo lắng thế cho con, song sự thờ phượng phải có thay đổi chút ít. Sau Thầy sẽ dạy chư đạo hữu con định liệu.

Rằm tháng 10 nầy, Thầy xin con hội cả chư hòa thượng tại Thánh Thất đây chung lo lập Tân Luật.” (Thánh Ngôn Sưu Tập 1 số 25. Thiền Lâm Tự, Gò Kén, Chúa nhựt 5-9-1926, 29-7 Bính Dần)

Hai hôm sau tại Sài Gòn, Thầy dạy ông Trung:

“Trung nghe con. Con biết rằng Thánh Thất đã lập tại Tây Ninh, Thầy đã cho con hiểu là Thánh Địa nữa. Nguyên Đạo Thầy do nơi đó mà xuất thấu thế gian.” (Đạo Sử II Hương Hiếu số 101, mùng 1.8 Bính Dần)

Kể từ đó, Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh trực tiếp trông coi việc sắp xếp, trang trí nghi tiết thờ phượng trong nội điện theo những chỉ dạy trước đó của Thầy. Còn bên ngoài, ông cho trải đá làm con đường đủ rộng để cho xe chạy được từ đường cái vào trong sân của chùa. Đồng thời cho tạo cây cảnh bao quanh khuôn viên, đúc tượng Thái tử Sĩ Đạt Ta cởi ngựa trắng ra đi tìm Đạo cùng người hầu Sa Nặc.

3. Sắp xếp nghi thức thờ phượng theo Tam Kỳ Phổ Độ

Một nơi thờ phượng để có thể trở thành Thánh Thất phải hội đủ nhiều yếu tố. Một yếu tố căn bản là nghi thức thờ phượng.

Vì vậy sau khi đã chọn chùa Gò Kén làm Thánh Thất để thực hiện Đại Hội Tam Giáo sắp tới vào Rằm tháng 10, Đức Chí Tôn đã hướng dẫn cặn kẽ cho quý vị thực hiện.

3.a. Cách sắp đặt các Thánh Vị nơi Thiên Bàn:

Nếu như trước đó, vào cuối tháng 5-1926 Thầy đã dạy:

“Tại đây là một nơi Ta khởi chế sự “Tế Lễ thờ phượng” lại. Bổn hội nghe: Giữa chùa gần trang thờ Quan Âm Bồ Tát và Quan Thánh Đế Quân, phải lập ra một điện để Thánh Tượng Ta ở giữa. Bên mặt Ta để tượng Quan Âm, bên trái tượng Quan Đế; còn chư Tiên, Chư Thánh, chư Phật để hàng dưới. Xưng hiệu chùa Ngọc Hoàng Tự.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1-1964, trang 20, Trường Sanh Tự 30 Mai 1926)

Thì đến đầu tháng 7 Bính Dần, tại Vĩnh Nguyên Tự, Thầy nhắc lại cách thờ có đủ Tam Trấn Oai Nghiêm.

“Trong Tam Kỳ Phổ Độ và qui Tam Giáo nầy, Phật thì có Quan Âm, Tiên thì có Lý Thái Bạch, Thánh thì có Quan Thánh Đế Quân khai đạo. Vậy con lập cho đủ ba Trấn chứng đàn, … …” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1-1964, trang 36, Vĩnh Nguyên Tự 02.7 BD 1926)

Nói là nhắc lại, vì ngay từ khi độ dẫn Ông Lê Văn Trung vào cuối năm Ất Sửu Thầy đã dạy cho ông cách thờ phượng tại tư gia có đủ Tam Trấn.

“Trung! con thờ Thầy trên hết là phải, con đem tượng Quan Trường qua bên tay trái Thầy, còn Quan Âm bên mặt. Còn thờ Lý Thái Bạch dưới Thầy.” (Đạo Sử Xây Bàn quyển 1 trang 46, 31.01.1926)

Nếu như khi hướng dẫn về nghi thức thờ phượng cho buổi Thiên Phong lần thứ nhứt vào giữa tháng 3 Bính Dần mới chỉ có Thiên Nhãn, Tam Trấn và 4 chiếc ngai gồm 1 cho Giáo Tông và 3 cho Đầu Sư thì khi dạy về cách thờ tại Thánh Thất ở Gò Kén, Thầy đã chỉ dẫn đầy đủ hệ thống thờ phượng tượng trưng Ngũ Chi Đại Đạo với ngôi Nhơn Đạo có 7 chiếc ngai.

“Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương.

Kiệt - Con phải giúp Thơ trong việc lập Thánh Thất. Thầy giao cho con phải săn sóc mướn thợ làm bảy cái ngai, một cái trọng hơn cho Giáo Tông, ba cái cho ba vị Chưởng Pháp, ba cái cho ba vị Đầu Sư. Nhứt là cái ngai của Giáo Tông phải làm cho kỹ lưỡng chạm trổ tứ linh, nhưng chỗ hai tay dựa phải chạm hai con rồng. Còn của Chưởng Pháp chạm hai con phụng, của Đầu Sư chạm hai con Lân . . . Nghe à ! . . .

Bính - Thầy giao cho con lo một trái Càn Khôn. Con hiểu nghĩa gì không? ... Cười ...

Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm ba thước ba tấc, nghe con. Lớn quá mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời. Cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy. Thầy kể Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại thất thập nhị địa và Tam Thiên thế giái thì đều là tinh tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách thiên văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Đẩu con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Đẩu vẽ con mắt Thầy, con hiểu chăng?

Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn cho nó thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quý báu cho cả nhơn loại Càn Khôn Thế Giái đó.

Nhưng mà làm chẳng kịp thì tùy con, tiện làm thế nào cho kịp đại hội. Nghe à !

(Thơ ! nghe dạy. Thầy giao trọn quyền cho con lo liệu. Con phải nhớ khi Bính đem trái Càn Khôn ấy về, con làm một cái cốt xây để trái ấy lên Đại Điện.

Nhớ day con mắt ra ngoài. Rồi con lại lên tượng Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử mà để dựa dưới. Kế ba vị ấy thì là Quan Thế Âm, Thái Bạch, Quan Thánh Đế. Kế nữa ngay dưới Lý Bạch thì là Jésus de Nazareth. Kế Jésus thì là Khương Tử Nha).

Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì để dài theo dưới, hiểu không con ?” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, Vendredi 17 Septembre 1926, (11 rạng 12 tháng 8 Bính Dần)

Trong phần Thánh Ngôn này, đoạn ở trong ngoặc đơn không có trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1 nhưng có trong tờ Phổ Cáo Chúng Sanh. Đây là phần bổ sung cách thờ có thêm hàng Tam Giáo Đạo Tổ cũng như Đức Da Tô và Đức Khương Thái Công.

Lời Thánh Ngôn hôm đó của Thầy đã dạy đầy đủ hệ thống thờ phượng thể hiện 5 bậc của Ngũ Chi Đại Đạo mà ngày nay chúng ta nhìn thấy ở Tòa Thánh Tây Ninh.

(Tuy nhiên, lời Thánh ngôn nào hướng dẫn sắp xếp vị trí của Tam Giáo Đạo Tổ, chúng ta vẫn chưa tìm được !)

Đến ngày giờ Đức Chí Tôn đã định, đêm 14 rạng Rằm tháng 10 Bính Dần, Thánh thất đầu tiên của ĐĐTKPĐ đã được khánh thành.

3.b. Cách thiết kế bàn thờ Hộ Pháp:

Trong thời gian đại lễ diễn ra ở Gò Kén, Đức Giáo Tông và Đức Chí Tôn đã hướng dẫn thêm cách lập bàn thờ Hộ Pháp với chữ Khí màu vàng trên nền đỏ.

“Thánh Thất đã an, chư hiền hữu lo chỉnh nghi cho tinh tấn. Thầy dạy Thượng Trung Nhựt, hiền hữu lo sắp đặt thế nào cho ra nghi tiết thì sắp đặt.

Sau lưng, bàn thờ Hộ Pháp phải để một miếng nỉ dài, ngang một thước rưỡi, cao ba thước, thêu chữ bùa Lão vẽ đây (bùa chữ Khí). Làm một bàn thờ ba nấc, giữa cao hai bên bằng cho Thượng Phẩm, Thượng Sanh đứng.” (Đức Lý Thái Bạch, Thánh Ngôn Sưu Tập trang 78, 10.11 Bính Dần,14.12.1926)

Một tuần sau, ngày 16.11 Bính Dần Đức Chí Tôn giáng cơ, Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt bạch hỏi thêm về chi tiết màu chữ. Thầy dạy: “Nỉ đỏ chữ vàng, con.”

Như vậy chính tại chùa Gò Kén lịch sử, nghi thức thờ phượng nơi chánh điện Đức Chí Tôn đã được Ơn Trên hướng dẫn thực hiện hoàn chỉnh.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 985
Points : 2798
Danh tiếng : 0
Join date : 13/03/2011

https://chobe.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết